Vốn chủ quan cho rằng mình khỏe mạnh, ăn ngủ điều độ, ông Nguyễn Văn Hà (phường Nam Đồng, quận Đống Đa, Hà Nội) không quan tâm đến dấu hiệu của những cơn chóng mặt thoáng qua. Đến một ngày, thấy cha mình sốt cao mà không có phản ứng, không cảm thấy khó chịu, mệt mỏi, người con trai liền đưa ông tới bệnh viện. Chỉ kiểm tra ít phút, bác sĩ đề nghị lập tức chuyển bệnh nhân lên bệnh viện chuyên khoa tim. Dọc đường, cơn nhồi máu cơ tim đã bắt đầu hành hạ ông Hà. Nhờ được cấp cứu kịp thời, theo dõi chặt, ông đã may mắn thoát chết. Dù vậy, gia đình ông phải thanh toán cho cuộc phẫu thuật gần 100 triệu đồng (không kể phần bảo hiểm y tế đã chi trả). Hơn nữa, sau phẫu thuật, ông phải điều trị thường xuyên để phòng chống tai biến. Ông là một ví dụ về việc không quan tâm đúng mức, không khám chữa bệnh và quản lý sức khỏe định kỳ, khiến bệnh diễn biến ngoài tầm kiểm soát, chi phí chữa trị tăng cao.
Ảnh minh họa |
Cũng giống ông Hà, khi đi khám bệnh thần kinh tọa, bà Phan Thị Mài (ở phường Quảng An, quận Tây Hồ) được chẩn đoán hội chứng thận hư và tăng huyết áp. Vì hoàn cảnh gia đình còn nhiều khó khăn, bà bỏ qua các dấu hiệu bệnh, không điều trị. 7 năm sau, khi phải thường xuyên chịu cảnh choáng váng, hoa mắt, buồn nôn và đau đầu không chịu nổi, bà mới đi bệnh viện kiểm tra lại. Đến lúc ấy, bà đã bị suy thận độ I.
Những ví dụ cho thấy sự thiếu quan tâm đến việc chăm sóc và biểu hiện sức khỏe của NCT dẫn đến hệ lụy khôn lường. Với khoảng 40% NCT không có BHYT, tâm lý không dám khám bệnh để khỏi phải chi phí tốn kém lại càng rõ rệt hơn. Điều này đã dẫn tới hệ quả, 70% NCT Việt Nam có từ 2 bệnh trở lên, trung bình một NCT mắc 2,7 thứ bệnh. Đáng lo ngại hơn, theo điều tra của Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế, hơn 53% NCT có trục trặc về sức khỏe, tuổi càng cao nguy cơ mắc bệnh càng nhiều, đặc biệt là các bệnh mạn tính, bệnh thoái hóa. GS-TS Phạm Thắng, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa TƯ cho rằng, NCT thường mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành, ung thư, thoái hóa khớp, đột quỵ… Đây là những bệnh liên quan nhiều đến lối sống và phải điều trị suốt đời. Đáng chú ý hơn, những bệnh này thường dẫn tới tàn phế và giảm chất lượng sống ở người già, đặc biệt là ở người rất già thì hệ quả càng trầm trọng hơn.
Theo thực tế công tác chăm sóc y tế NCT tại nhiều nước, chi phí y tế cho NCT cao gấp 7-10 lần cho người trẻ, NCT sử dụng tới 50% tổng lượng thuốc chữa trị của xã hội. Trong khi đó, trên cả nước, mạng lưới y tế lão khoa chưa hoàn thiện, mới chỉ có một bệnh viện lão khoa TƯ và vài bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố; dịch vụ y tế cho người già tại cộng đồng còn nhiều hạn chế. Trước tình trạng gia tăng già hóa dân số, Chính phủ đã ban hành Luật NCT, các chương trình hành động quốc gia về NCT và nhiều chính sách khác nhằm nâng cao chất lượng sống cho NCT. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, việc chăm sóc y tế NCT quả là một thách thức lớn cho gia đình, xã hội. Việc thực thi các chính sách gặp nhiều khó khăn về nguồn lực kinh tế, con người. Hơn lúc nào hết, NCT và con cháu, cộng đồng cần quan tâm hơn trong việc tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật cho người già. Bên cạnh việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chăm sóc sức khỏe, hướng dẫn kỹ năng phòng bệnh, chữa bệnh và tự chăm sóc (ăn uống hợp lý, tăng cường vận động, không hút thuốc, không nghiện rượu…) cho NCT, cần tích cực xây dựng và tổ chức thực hiện các chương trình phòng bệnh, khám chữa và quản lý đối với các bệnh tim mạch, tiểu đường, alzheimer, tâm thần và các bệnh mạn tính khác.
Hơn hết, để chuẩn bị cho một tương lai bình an, hạnh phúc, không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của con cháu, mỗi người hãy tự tiết kiệm tiền bạc bằng cách tự lắng nghe cơ thể mình mà bảo vệ sức khỏe cho tuổi già trong tương lai. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để có cuộc sống chất lượng khi đã hết sức lao động.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Chăm già
Bình luận của bạn